SATELLITE IMAGES

Liên kết Website

Partners - customers

Việt Nam có một hệ thống tài nguyên đất ngập nước rất phong phú với diện tích hơn 1 triệu ha đất ngập nước ven biển. Tuy nhiên, đất ngập nước ven biển đang phải đối mặt với sự đe dọa từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và nặng nề hơn cả là áp lực chuyển đổi mục đích sử dụng đất của người dân địa phương. Vì vậy, cần sớm có hướng dẫn nhằm thực hiện cơ chế chi trả dịch vụ môi trường để từ đó giúp các địa phương giải quyết tốt mâu thuẫn cố hữu giữa bảo tồn và phát triển, thúc đẩy sử dụng tài nguyên môi trường một cách bền vững, đồng thời tạo nguồn thu nhập chính đáng cho những đơn vị và cá nhân trực tiếp tham gia duy trì và bảo vệ các chức năng sinh thái của hệ sinh thái đất ngập nước ven biển.

Hiện, Viện Khoa học môi trường (Tổng cục Môi trường) đã xây dựng xong Dự thảo “Hướng dẫn áp dụng chi trả dịch vụ môi trường đối với hệ sinh thái đất ngập nước ven biển tại Việt Nam”. Theo đó, mục tiêu của Hội thảo nhằm xin ý kiến góp ý, bổ sung và hoàn thiện tài liệu hướng dẫn, đồng thời tạo diễn đàn để các đơn vị có liên quan chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm về chi trả dịch vụ môi trường.


Chi trả dịch vụ môi trường (PES) được coi là công cụ dựa vào thị trường thành công trong quản lý tài nguyên thiên nhiên. Bản chất của hoạt động chi trả dịch vụ môi trường là tạo cơ chế khuyến khích kinh tế nhằm thúc đẩy sử dụng dịch vụ môi trường một cách hiệu quả và bền vững. Thông qua PES, cơ chế quản lý môi trường bền vững sẽ được thúc đẩy nhờ những khoản chi trả thường xuyên cho dịch vụ sinh thái. Những khoản chi trả này sẽ giúp tăng cường khả năng sử dụng bền vững lâu dài và thậm chí bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên thông qua việc cung cấp nguồn thu nhập bổ sung ổn định và tạo thêm việc làm cho cộng đồng.

Trong vòng 10 năm qua, khái niệm PES và ứng dụng của PES ngày càng nhận được nhiều sự chú ý không chỉ từ các nhà hoạt động môi trường, các nhà khoa học mà còn từ các nhà chính sách ở nhiều quốc gia trên thế giới. Việc thực hiện cơ chế chi trả dịch vụ môi trường như một cơ chế tài chính bền vững là một hướng đi tất yếu và cần phải được ưu tiên triển khai sớm cho tất cả các loại hình hệ sinh thái. Điều này đặc biệt phù hợp với các hệ sinh thái có khả năng phục hồi cao như hệ sinh thái đất ngập nước ven biển.